ChatGPT, một siêu ứng dụng trò chuyện sử dụng trí tuệ nhân tạo, đã gây sốt suốt thời gian dài kể từ khi ra mắt. Với khả năng tổng hợp nhiều thông tin và 300 tỷ từ vựng có sẵn trong hệ thống dữ liệu đào tạo, ChatGPT có thể giải đáp mọi câu lệnh của bạn một cách tự nhiên và chính xác đáng kinh ngạc. Chính nhờ khả năng này mà ChatGPT có thể là một công cụ hỗ trợ tuyệt vời dành cho các copywriter trong việc phác thảo và hoàn thiện các ý tưởng. Hãy cùng tìm hiểu 7 cách copywriter có thể sử dụng ChatGPT trong việc sáng tạo nội dung.
Nghề copywriter là gì?
Copywriter là một trong những nghề sản xuất nội dung phổ biến nhất hiện nay, bên cạnh content writer và content creator. Copywriter sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung quảng cáo từ online đến offline. Sản phẩm của copywriter thường là bộ nhận diện thương hiệu, chiến dịch (tên, slogan, tagline…); nội dung trên các trang mạng xã hội; nội dung trên các phương tiện quảng cáo trực tuyến (Facebook, Google Ads,…) và quảng cáo ngoài trời (màn hình LED, billboard…); kịch bản quảng cáo, livestream, sự kiện…
Copywriter vừa phải truyền tải được thông điệp từ thương hiệu đến khách hàng, vừa phải thể hiện khả năng sáng tạo và hợp thời về ý tưởng, ngôn từ để có thể gây ấn tượng và giữ chân khách hàng. Có thể thấy khối lượng công việc của copywriter là rất đa dạng, đòi hỏi khả năng phân tích khách hàng và thị trường cùng với chiều sâu về ngôn ngữ. Điều này khiến cho các copywriter thường rơi vào tình trạng bí ý tưởng, không có đủ thời gian tổng hợp thông tin để tạo nên một sản phẩm chất lượng. Vì vậy, copywriter rất cần các công cụ có thể hỗ trợ họ trong quá trình tổng hợp, chắt lọc thông tin và lên ý tưởng. Và, ChatGPT chính là một trong những công cụ phù hợp nhất hiện nay.
Ưu và nhược điểm khi sử dụng ChatGPT trong sáng tạo nội dung
Ưu điểm
- Xử lý và tổng hợp nội dung thông minh: ChatGPT có thể sử dụng dữ liệu được nạp vào để hoàn thành các đoạn văn dài, thậm chí là viết luận một cách khá hoàn hảo về mặt thông tin và ngữ nghĩa.
- Ít mắc lỗi chính tả và ngữ pháp: Nhiều thử nghiệm từ phía người dùng cho thấy rằng, ChatGPT rất ít mắc các lỗi về chính tả, ngữ pháp, thậm chí là dấu câu.
- Ngôn ngữ tự nhiên: Không như các ứng dụng hỏi đáp khác, ChatGPT thể hiện sự tự nhiên và cá nhân hoá trong các cuộc hội thoại, không mang đến cảm giác máy móc, rập khuôn.
- Đa dạng ngôn ngữ: Bạn có thể đặt câu lệnh với ChatGPT ở bất kì ngôn ngữ nào, ứng dụng này đều có khả năng hiểu và phản hồi bạn với ngôn ngữ tương tự. Đặc biệt hơn, ChatGPT còn có thể dịch văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Điều này rất có lợi cho các freelancer copywriter thường làm việc với khách hàng nước ngoài.
Nhược điểm
- Phiến diện, thiếu ngữ cảnh: Bởi vì chỉ trả lời câu lệnh dựa trên những thông tin mà nó được biết, ChatGPT sẽ không thể đảm bảo được sự phù hợp đối với bối cảnh của nội dung.
- Hạn chế về mặt sáng tạo: Suy cho cùng, ChatGPT vẫn chỉ là máy móc, hoạt động dựa trên dữ liệu và công nghệ thiết lập sẵn. Trong khi đó, để có được nội dung sáng tạo và chạm đến người xem, đòi hỏi phải có sự học hỏi, trải nghiệm và cả sự thấu cảm giữa người với người của copywriter.
- Sai thông tin: ChatGPT vẫn có thể đưa ra những thông tin sai lệch, nếu như thông tin đó có chứa trong dữ liệu. Trường hợp bạn đưa ra những câu lệnh không rõ ràng cũng có thể khiến ChatGPT hiểu khác đi và đưa ra những phản hồi không chính xác.
- Chưa thật sự tối ưu các ngôn ngữ khác tiếng Anh: Mặc dù, ChatGPT có khả năng đưa ra phản hồi và dịch thuật đa ngôn ngữ. Tuy nhiên, với những ngôn ngữ khác tiếng Anh, ứng dụng này chưa thể phản hồi chuẩn xác hoàn toàn và có thể hiểu lầm câu lệnh, không đọc được câu lệnh. Điều này đòi hỏi người sử dụng cần cẩn thận trong việc đưa ra các câu lệnh và kiểm tra kết quả phản hồi để đạt được hiệu quả sử dụng.
- Vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm: ChatGPT vẫn còn là một phần mềm thử nghiệm và chưa được thương mại hoá. Vì vậy, vẫn còn tồn đọng rất nhiều lỗ hổng trong quá trình sử dụng.
ChatGPT có thể thay thế copywriter không?
Có thể thấy, ChatGPT là một công cụ hỗ trợ hiệu quả dành cho các copywriter với các tính năng ưu việt. Tuy nhiên, ChatGPT hoàn toàn không thể thay thế copywriter trong việc sáng tạo nội dung. Tất cả những gì công cụ này có thể làm chính là xử lý và tổng hợp thông tin dựa trên câu lệnh. Độ rõ ràng của câu lệnh ChatGPT càng cao, thông tin phản hồi càng phù hợp. Và để đưa ra được những câu lệnh chuẩn xác cho ChatGPT, vẫn cần phải có sự nghiên cứu, kiến thức chuyên ngành và kỹ năng nghề nghiệp từ các copywriter.
7 cách dùng ChatGPT dành cho copywriter
Lên ý tưởng
Công đoạn đầu tiên của bất kỳ nội dung nào cũng phải là khâu lên ý tưởng. Nếu như đã có sẵn chủ đề, bạn có thể phát triển chủ đề với sự hỗ trợ của ChatGPT. Điều bạn cần làm là cung cấp cho ChatGPT câu lệnh với thông tin càng cụ thể càng tốt. Cần nêu rõ nội dung của bạn dành cho ai, nhằm mục đích gì, thể loại nội dung,…
Ví dụ bạn đang cần viết nội dung giới thiệu một nhà hàng trên trang website, mẫu câu hỏi ChatGPT bạn có thể sử dụng để lên ý tưởng cho bài viết này là:
- Một bài viết giới thiệu nhà hàng trên website cần có thông tin gì.
- Thông tin nào đáng lưu ý khi giới thiệu nhà hàng trên website.
- Liệt kê 5 ý tưởng cho bài viết giới thiệu nhà hàng trên website dành cho khách du lịch.
Điều ChatGPT làm tiếp theo là quét hết tất cả những bài viết về nhà hàng có trong cơ sở dữ liệu của nó, tổng hợp thông tin cần thiết và đưa ra ý tưởng cho câu lệnh của bạn.
Trong trường hợp chưa xác định được chủ đề, bạn cũng có thể nhờ ChatGPT hỗ trợ. Tuy nhiên, câu lệnh vẫn cần có đủ thông tin về người xem, thời điểm,… ví dụ:
- Gợi ý 4 chủ đề hot dành cho bố mẹ bỉm sữa năm 2023.
- 10 chủ đề trending nhất Facebook tháng 5 dành cho fan Kpop.
Lập dàn ý
Sau khi đã có ý tưởng chính cho nội dung, bạn có thể sử dụng ChatGPT để lập dàn ý. Từ đó bạn sẽ có cơ sở để phát triển thêm các đề mục, điều chỉnh lại trình tự sao cho ưng ý nhất. Trong phần này, cần lưu ý về mạch phát triển nội dung (không gian hay thời gian, diễn giải hay quy hợp,…); bố cục nội dung gồm bao nhiêu phần; từ khoá hoặc nội dung đặc biệt cần có;… để chatGPT có thể đưa ra phản hồi phù hợp nhất.
Mẫu câu hỏi ChatGPT có thể sử dụng để lập dàn ý:
- Lập dàn ý diễn giải chủ đề “10 cuốn sách nên đọc nhất 2023”
- Chủ đề là “Sống xanh để bảo vệ môi trường”, hãy cho tôi dàn ý với tối thiểu 5 phần, mỗi phần đều chứa từ khoá “bảo vệ môi trường”.
- Phác thảo cho tôi dàn ý bài viết “Những rủi ro từ quảng cáo trên Internet bạn nên biết”.
Đặt tiêu đề
Tiêu đề bài viết là một trong những yếu tố tối quan trọng của nội dung. Tiêu đề vừa phải khái quát được nội dung bài viết, vừa phải đủ hấp dẫn để gây ấn tượng và dẫn dắt người xem. Không những thế, tiêu đề còn phải tránh các vấn đề phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc sai lệch nội dung bài viết. Chính vì thế, một chiếc tiêu đề tuy ngắn gọn nhưng lại tốn khá nhiều thời gian của người copywriter. ChatGPT sẽ giúp bạn rút ngắn công đoạn này bằng cách gợi ý nhiều tiêu đề cùng lúc để bạn có thể chọn lựa hoặc kết hợp các tiêu đề với nhau.
Bộ câu lệnh ChatGPT gợi ý khi cần đặt tiêu đề bài viết:
- Viết 7 tiêu đề khác nhau với chủ đề “Mẹo nuôi dạy con trẻ đúng cách”
- Viết 5 tiêu đề có chứa các từ khoá “môi trường”, “sống xanh”, “ô nhiễm”
- Gợi ý các tiêu đề hay cho bài viết giới thiệu máy giặt Samsung.
Viết nội dung hoàn chỉnh
Viết nội dung hoàn chỉnh không nằm ngoài khả năng của ChatGPT. Thậm chí, theo nhiều chia sẻ, ứng dụng này còn có khả năng viết cả nghị luận văn học và nghị luận xã hội với lời văn khá trau chuốt. Để sử dụng ChatGPT hiệu quả trong phần này, câu lệnh của bạn sẽ cần những thông tin như loại nội dung, chủ đề, độ dài bao nhiêu chữ, giọng văn, ngôi xưng,… hoặc có thể yêu cầu ChatGPT biên soạn nội dung dựa trên dàn ý đã lập từ các câu lệnh trước.
Mẫu câu hỏi ChatGPT gợi ý để viết nội dung hoàn chỉnh:
- Viết tối thiểu 1000 chữ về sự phát triển của công nghệ 4.0 hiện nay.
- Hoàn thiện bài viết tối thiểu 2000 từ về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh, trong đó lặp lại ít nhất 10 lần từ khoá “học tiếng Anh”.
- Viết về sức mạnh của đồng tiền bằng tiếng Anh dài ít nhất 5000 chữ.
Tạo nội dung phù hợp với từng loại kênh
Không phải nội dung nào cũng phù hợp đăng tải đa kênh. Để thu hút người xem và đạt được mục tiêu, nội dung cần phải được tối ưu với đặc điểm và hành vi người xem từng kênh. Chẳng hạn như người xem Youtube thích những nội dung có chiều sâu, thời lượng dài, có sự đầu tư về kịch bản để mang lại nhiều thông tin giá trị nhưng vẫn cần hấp dẫn trong từng phân đoạn để giữ chân người xem đến cuối. Còn với Tiktok, video ngắn gọn, cô đọng thông tin, nhạy bén với xu hướng lại dễ dàng thu hút người xem hơn. Hay lấy một ví dụ khác, một đoạn caption Facebook hoàn toàn không để sử dụng để đăng tải lên website và ngược lại.
Với ChatGPT, bạn hoàn toàn có thể đưa ra yêu cầu tạo nội dung phù hợp với các kênh bằng cách đề cập đến loại kênh trong câu lệnh. Bộ câu lệnh ChatGPT có thể sử dụng để tạo nội dung đa kênh:
- Viết kịch bản video Youtube dài 5 phút về các sản phẩm dưỡng da tốt nhất 2022.
- Viết caption Facebook dưới 100 từ để giới thiệu sự kiện “Workshop dài cho người học IELTS”
- Viết đoạn mô tả cho bài viết về điện thoại iPhone 13, có chứa 2 từ khoá “điện thoại thông minh” và “điện thoại cao cấp”.
Thay đổi tông giọng của từng bài viết
Tông giọng là yếu tố tạo nên cảm xúc cho nội dung. Dùng đúng tông giọng phù hợp, nội dung sẽ dễ chạm đến người xem, nhận được sự đồng cảm và có nhiều tác động tích cực hơn. Chuyển đổi tông giọng, ngôi xưng từ nội dung đã có sẵn sẽ tương đối tốn thời gian, nhất là những nội dung dài. Và ChatGPT cũng có thể được tận dụng trong công việc này.
Gợi ý ChatGPT Prompt dùng để thay đổi tông giọng bài viết:
- [Copy văn bản có sẵn về review thực phẩm chức năng] Chuyển đổi bài viết sau đây sang góc nhìn của một chuyên gia dinh dưỡng.
- Chuyển đoạn văn sau [Copy văn bản có sẵn] sang ngôi thứ 3.
- Viết lại đoạn văn [Copy văn bản có sẵn] với giọng điệu gần gũi, thân thiện.
Hiệu đính bài viết
Trước khi được phát hành, nội dung luôn luôn phải được kiểm tra các lỗi chính tả, ngữ pháp, dấu ngắt câu, rủi ro vi phạm bản quyền thông tin,… Một nội dung hoàn chỉnh sẽ thể hiện sự chỉn chu, đầu tư của người viết và mang lại trải nghiệm hài lòng cho người xem. Và ChatGPT với ưu điểm vượt trội của AI, sẽ tối ưu công đoạn này hơn rất nhiều so với hiệu đính thủ công. Gợi ý câu lệnh ChatGPT để hiệu đính bài viết:
- Tìm và sửa lại tất cả lỗi chính tả có trong văn bản này [Copy văn bản có sẵn].
- [Copy văn bản có sẵn] Tìm và thay thế các từ “nón” trong văn bản thành “mũ”.
- Chuyển tất cả câu phức trong đoạn văn sau thành câu đơn [Copy văn bản có sẵn]
Sử dụng ChatGPT hiệu quả hơn trên trình duyệt Cốc Cốc
Có thể thấy, ChatGPT có tiềm năng trở thành một trong những công cụ hỗ trợ hiệu quả nhất dành cho copywriter. Trên Cốc Cốc, bạn có thể thêm ChatGPT vào Sidebar để đa nhiệm dễ dàng hơn. Điều này cho phép bạn mở cửa sổ ChatGPT cùng lúc với các trang web khác để so sánh, đối chiếu thông tin trong nháy mắt.
Bạn chỉ cần nhấp vào biểu tượng Thêm (dấu cộng) trên Sidebar, sau đó nhấp vào biểu tượng ChatGPT trong mục Được đề xuất.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chọn Ghim cửa sổ thanh bên để chia đôi không gian làm việc và cố định cửa sổ ChatGPT trên màn hình khi truy cập các trang web khác.
Tải Cốc Cốc và thêm ngay ChatGPT vào thanh bên!
Các câu hỏi thường gặp
ChatGPT có miễn phí không?
Hiện tại, ChatGPT chỉ mới là phiên bản thử nghiệm và chưa được thương mại hoá. Vì vậy bạn có thể trải nghiệm ChatGPT hoàn toàn miễn phí.
ChatGPT có tiếng Việt không?
Hiện tại, ChatGPT vẫn chỉ là phiên bản thử nghiệm và còn giới hạn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để đăng ký ChatGPT bạn cần phải có phần mềm chuyển đổi VPN và số điện thoại ở vùng quốc gia hợp lệ.
Mặc dù ChatGPT bị giới hạn sử dụng ở Việt Nam nhưng với kho dữ liệu và từ vựng đồ sộ, ChatGPT có thể hiểu và phản hồi với mọi ngôn ngữ, không ngoại trừ tiếng Việt.
Xem thêm hướng dẫn sử dụng ChatGPT hiệu quả từ Blog Cốc Cốc: