Hàng loạt trang web lạ tự động mở chỉ với một click chuột vô tình, bạn đã gặp phải tình trạng này chưa? Đây được gọi là quảng cáo pop under, một dạng quảng cáo ẩn dưới một trang web. Quảng cáo pop under là một trong những công cụ quảng cáo phổ biến, khiến không ít người dùng internet cảm thấy khó chịu và bị làm phiền. Hãy cùng tìm hiểu về quảng cáo pop under và cách chặn quảng cáo pop under trong bài đăng này nhé.
Nội dung chính
Quảng cáo pop under là gì?
Quảng cáo pop under còn được gọi là quảng cáo ẩn, vì nó nằm ẩn sau trang web bạn đang truy cập. Người dùng thường sẽ không nhìn thấy quảng cáo pop under ngay cho đến khi vô tình thao tác kích hoạt quảng cáo.
Quảng cáo pop under sẽ tự động nhấp và chuyển hướng bạn đến trang web được quảng cáo bằng các thẻ trình duyệt mới. Một số quảng cáo pop under sẽ điều hướng bạn sang các ứng dụng khác với phương thức tương tự.
Tuỳ thiết lập của người đặt quảng cáo pop under, các hành động để kích hoạt quảng cáo rất đa dạng. Quảng cáo pop under có thể xuất hiện khi bạn vô tình click vào vị trí bất kì trên trang web, di chuyển con trỏ chuột, hoặc thậm chí là không làm gì cả.
Chính vì tự động được kích hoạt bởi một hành động vô tình, quảng cáo pop under gây khó chịu và làm gián đoạn hoạt động của người dùng. Sự khó chịu này gia tăng khi số lượng thẻ và ứng dụng mở ra quá nhiều, từ đó gây đơ và lag máy tính. Và bạn nghĩ rằng chỉ cần đóng hết các thẻ thì mọi chuyện sẽ kết thúc? Không hề. Một số quảng cáo pop under sẽ được thiết lập vòng lặp. Sau 10 – 15 phút, bạn vô tình thao tác, quảng cáo sẽ tiếp tục được kích hoạt. Chỉ cần bạn còn sử dụng trang web, bạn vẫn sẽ bị làm phiền bởi quảng cáo pop under. Không chỉ vậy, nhiều quảng cáo pop under còn tiềm ẩn rủi ro về an ninh mạng với những trang web không an toàn (web cá độ, lừa đảo, đánh cắp thông tin hoặc chứa virus,…).
So sánh quảng cáo pop up và pop under
Một dạng quảng cáo khác người dùng Internet cũng có thể gặp phải là quảng cáo pop up. Đây cũng là một dạng quảng cáo tự động hiển thị ngay khi bạn mở trang web hoặc sau một khoảng thời gian lướt web. Vậy, hai loại quảng cáo này giống và khác nhau ở điểm nào?
Giống nhau
Quảng cáo pop up và pop under đều là quảng cáo tự động và có thể có vòng lặp. Mục đích đều là chuyển hướng người dùng đến các trang web, ứng dụng được quảng cáo, tăng khả năng hiển thị và truy cập của các trang đích này.
Cách thức kích hoạt của hai loại quảng cáo này cũng tương tự nhau. Quảng cáo sẽ tự động hiển thị ngay khi bạn truy cập trang web hoặc sau một khoảng thời gian tuỳ theo hẹn giờ. Ngoài ra, chúng còn có thể được kích hoạt khi bạn click hoặc di chuyển con trỏ chuột, tương tác với trang web đang sử dụng.
Nếu được sử dụng đúng cách, quảng cáo pop up và pop under đều hữu ích trong việc cung cấp nội dung quảng cáo và chuyển đổi khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, cả hai loại quảng cáo đều có thể là quảng cáo độc hại gây phiền nhiễu cho người dùng và ẩn chứa các rủi ro về an ninh mạng.
Khác nhau
Quảng cáo pop up sẽ hiển thị ngay trên trang web bạn đang sử dụng, che khuất một phần hoặc toàn bộ nội dung trang web. Loại quảng cáo này bắt buộc bạn phải xem và nhấn thoát nếu muốn tiếp tục sử dụng.
Trong khi đó, quảng cáo pop under ẩn dưới trang web. Do đó, bạn sẽ không thấy quảng cáo này cho đến khi đóng trang web hoặc vô tình thao tác kích hoạt nhiều thẻ quảng cáo.
Chính vì điểm khác biệt này, nhiều người đánh giá quảng cáo pop up gây phiền nhiễu hơn pop under. Thế nhưng, quảng cáo pop up thường rất được nhiều trang web dịch vụ và kinh doanh lớn sử dụng. Việc hiển thị ngay trước mắt giúp bạn nhanh chóng xác định được thông tin và quyết định tắt đi hoặc truy cập quảng cáo. Còn với quảng cáo pop under, các quảng cáo nằm ẩn dưới trang web đang truy cập có thể khiến bạn không phát giác để tắt quảng cáo, tạo ra nguy cơ về an ninh mạng nếu vô tình truy cập các trang web rác, độc hại.
Vì vậy, không thể so sánh mức độ hiệu quả cũng như gây phiền nhiễu giữa hai loại quảng cáo này. Tất cả đều phụ thuộc vào khả năng nghiên cứu người dùng của người thiết lập quảng cáo.
Cách để chặn quảng cáo pop under hiệu quả
Sử dụng tiện ích chặn quảng cáo
Nắm bắt được nhu cầu chặn quảng cáo của người dùng internet, nhiều công ty công nghệ đã cho ra mắt các tiện ích chặn quảng cáo, tương thích với nhiều trình duyệt web. Các tiện ích này có thể hoàn toàn miễn phí hoặc có thu phí theo tháng, năm. Vì vậy, chúng cũng đa dạng về khả năng chặn quảng cáo. Một số tiện ích chặn quảng cáo phổ biến hiện nay là:
- AdBlock Plus: Miễn phí, thiết lập nhanh, và có thể chặn gần như mọi loại quảng cáo. Đặc biệt, tiện ích này còn cho phép người dùng chọn những trang web yêu thích và sẵn lòng xem quảng cáo để ủng hộ. Tuy nhiên, AdBlock Plus cũng tự động mặc định một số quảng cáo là không thể xâm phạm và vẫn cho phép hiển thị, điều này có thể khiến nhiều người dùng khó chịu.
- Poper Blocker: Miễn phí, tập trung vào khả năng chặn quảng cáo cửa sổ pop up và pop under thay vì chặn mọi loại quảng cáo. Bạn có thể sử dụng Poper Blocker kết hợp với các tiện ích chặn quảng cáo khác để tăng hiệu quả.
- Stands Fair AdBlocker: Miễn phí, chặn mọi loại quảng cáo từ quảng cáo pop up và pop under cho đến các quảng cáo video tự động phát, quảng cáo YouTube, quảng cáo mở rộng và thậm chí là quảng cáo Facebook.
Sử dụng trình duyệt tích hợp sẵn trình chặn quảng cáo
Để nâng cao trải nghiệm sử dụng internet của người dùng, một số trình duyệt web đã tích hợp chức năng chặn quảng cáo trên trình duyệt, tiêu biểu là Cốc Cốc. Bộ lọc quảng cáo thông minh của Cốc Cốc sẽ tự động chọn ra các quảng cáo có thể gây phiền nhiễu và ẩn đi, khiến cho chúng không thể ảnh hưởng đến người dùng. Tính năng này hoàn toàn miễn phí và đã được kích hoạt sẵn trên trình duyệt Cốc Cốc dành cho cả 2 hệ điều hành Windows và và MacOS.
Bạn có thể điều chỉnh tính năng lọc quảng cáo của Cốc Cốc bằng cách:
- Mở trình duyệt Cốc Cốc
- Click chuột vào biểu tượng Cốc Cốc phía trên bên trái màn hình
- Chọn Cài đặt.
- Chọn Chặn quảng cáo trong phần Cài đặt. Ở đây bạn sẽ thấy chức năng chặn quảng cáo đã được bật sẵn, bạn có thể tắt nó đi bất cứ lúc nào.
Chế độ chặn quảng cáo được thiết lập sẵn đang ở mức Tiêu chuẩn. Bạn có thể chọn giữa 2 chế độ là Tiêu chuẩn (Standard Mode) và Nghiêm ngặt (Strict Mode), trong đó:
- Chế độ Tiêu chuẩn: Chỉ lọc và ẩn các quảng cáo được Cốc Cốc đánh giá là phiền nhiễu gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng.
- Chế độ Nghiêm ngặt: Lọc quảng cáo triệt để hơn, bao gồm cả các quảng cáo trên mạng xã hội như YouTube, Facebook,… Tuy nhiên, chế độ này có thể làm lỗi giao diện một số trang web, tạo nhiều khoảng trắng vì mất đi các phần banner.
Câu hỏi thường gặp
Quảng cáo pop under có an toàn không?
Một số quảng cáo pop under chỉ đơn thuần là quảng cáo, với mục đích đưa sản phẩm, dịch vụ, trang web,… tiếp cận đến tệp khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, một số quảng cáo pop under, nhất là các quảng cáo được thiết lập trên các trang web không uy tín, có thể dẫn bạn đến những trang web không an toàn với nội dung phản cảm hoặc phần mềm độc hại. Vì vậy, bạn vẫn nên cẩn thận với các quảng cáo pop under.
Chặn quảng cáo pop under có mất phí không?
Hiện nay, có rất nhiều tiện ích chặn quảng cáo miễn phí như AdBlock Plus, AdBlock, Poper Blocker, Stands Fair AdBlocker,… và các trình duyệt có tích hợp tính năng chặn quảng cáo như Cốc Cốc. Bạn có thể sử dụng những cách này để chặn quảng cáo nếu không muốn trả phí.