Bạn muốn dạy mèo bắt tay mà chưa biết bắt đầu từ đâu? Bạn muốn dạy “hoàng thượng” của mình thành một bé mèo ngoan ngoãn? Cùng Cốc Cốc tìm hiểu 3 cách huấn luyện mèo đơn giản tại nhà qua bài viết này nhé.
Nội dung chính
Tại sao cần huấn luyện mèo? Cách huấn luyện mèo hiệu quả
Loài mèo thật ra không lạnh lùng như mọi người thường nghĩ. Trái lại, các “hoàng thượng” rất cần được vận động cũng như sự gắn bó tình cảm. Nếu thiếu tương tác, mèo có thể trở nên buồn chán. Chúng có thể đi cào ghế sô pha hoặc phá phách, ăn uống quá đà để giải tỏa. Việc huấn luyện vừa khiến các “boss” phải hoạt động cả thể chất lẫn trí não, vừa có thể khiến “hoàng thượng” thân thiết với các “con sen” hơn.
Nếu bạn kiên nhẫn với bé mèo, việc huấn luyện sẽ đem lại niềm vui cho các bé, khiến các bé tin tưởng bạn hơn. Bạn cũng hiểu thêm về tính cách, sở trường, khả năng của mèo để điều chỉnh cách nuôi dạy cho phù hợp.
Cách huấn luyện mèo hiệu quả
Để có khởi đầu suôn sẻ, các con sen nên bắt đầu với những trò đơn giản trước như tập ngồi hay bắt tay. Mới đầu, các bé mèo sẽ khó tập trung lâu được. Bạn có thể bắt đầu dạy mèo trong 3-5 phút mỗi ngày rồi tăng thời gian dần dần, như vậy sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn.
Ngoài ra, bạn có thể động viên “hoàng thượng” bằng những phần thưởng nhỏ như đồ ăn tùy theo sở thích của từng bé. Tuy nhiên, khi các bé làm sai hoặc không làm được, các “sen” nên kiên nhẫn, tránh phạt hay quát tháo mèo. Hình phạt có thể khiến mèo căng thẳng, dần dần làm mèo không tin tưởng và lảng tránh chủ nhân.
Tổng hợp các trò huấn luyện mèo đơn giản
Trò chơi bắt bóng
Trò bắt bóng có độ khó cao, phù hợp với những bé mèo chưa trưởng thành, ưa thích vận động, nô đùa. Nếu “hoàng thượng” của bạn đã có tuổi, tính cách trầm lặng hoặc không thích vận động, đây có lẽ không phải là trò phù hợp.
Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị bóng cho mèo. Bạn có thể làm bóng bắt các cuộn giấy vụn, giấy cũ mềm thành một cục nhỏ. Bóng nên nhỏ hơn chân mèo để các “boss” có thể dễ bắt hơn. Sau đó, bạn buộc một sợi dây dài hoặc sợ chỉ vào đầu quả bóng, lắc quả bóng qua lại nhẹ nhàng trong tầm với trước mặt mèo. Lưu ý đừng để mèo bắt bóng mà chỉ cho mèo đập bóng.
Khi mèo đã quen với việc đánh bóng, bạn có thể bỏ dây và ném nhẹ về phía mèo con. Nếu mèo bắt được bóng, hãy lấy lại bóng ngay và thưởng cho mèo. Cứ vậy lặp đi lặp lại cho đến khi mèo làm đúng.
Bắt tay mèo
Để tập trò này, bạn nên tránh tập lúc mèo mới ăn xong hoặc đang còn no mà nên tập trước giờ ăn của mèo khoảng 1 tiếng. Đặt món ăn yêu thích của bé lên tay và cho bé ngửi chứ không cho ăn. Sau đấy, khum tay không có thức ăn lại và để tay trên tầm mắt mèo. Bạn nên kết hợp những lệnh đơn giản như “Bắt tay”, “Chân”,… để mèo có thể liên kết được câu lệnh với hành động đưa chân lên tìm đồ ăn trên tay.
Khi mèo đặt chân lên tay bạn, hãy thưởng cho mèo kèm lời khen để mèo biết là bé đang làm đúng. Nếu mèo không làm, bạn có thể lấy chân mèo đặt lên tay mình trong lúc cho mèo ăn. Như vậy, mèo sẽ hiểu là bắt tay để được cho ăn.
Bạn nên lặp lại khoảng 4-5 lần kết hợp với khẩu lệnh trước mỗi bữa ăn để mèo ghi nhớ. Dần dần, mèo sẽ tự động đặt chân lên tay bạn mỗi khi nghe khẩu lệnh.
Cho mèo ngồi
Tương tự trò bắt tay, bạn nên dạy mèo trò này trước giờ ăn. Chuẩn bị một mẩu đồ ăn mà mèo thích, sau đó di chuyển lên cao dần về phía sau đầu mèo để chúng nâng người lên rồi hạ xuống. Bạn nên kết hợp khẩu lệnh ngắn gọn và nhắc khẩu lệnh liên tục mỗi khi mèo ngồi xuống đồng thời thưởng cho mèo chút đồ ăn để cổ vũ bé. Lặp lại vài lần cho đến khi mèo quen. Đây là một trò đơn giản và dễ học, nhưng cũng hãy kiên nhẫn với bé để đạt được hiểu quả tốt nhất nhé
Lưu ý khi huấn luyện mèo
Đối với người mới, các “sen” có thể vô tình thưởng cho mèo nhiều quá. Việc này sẽ khiến phần thưởng không còn quá hấp dẫn trong mắt “hoàng thượng” nữa. Hơn nữa, việc này cũng có thể vô tình là nguyên nhân khiến “hoàng thượng” tăng cân, ảnh hưởng đến sức khỏe của mèo.
Ngoài ra, các “sen” cũng nên sử dụng một câu lệnh/tín hiệu xuyên suốt như tiếng chuông để mèo dễ dàng ghi nhớ và phản ứng nhanh hơn. Các buổi huấn luyện cũng nên ngắn và kéo dài trong 3 đến 5 phút để đảm bảo mèo tập trung tốt nhất.
Cuối cùng, nếu mèo sai, hãy kiên nhẫn. Đừng quát mắng mèo mà hãy có thái độ và giọng nói với tông giọng riêng, vừa phải. Sau này mỗi khi mèo nghe thấy bạn dùng giọng này, các bé sẽ biết mình làm sai và hiểu là mình không nên làm như thế.
Các bé mèo nhỏ thường sẽ dễ dạy hơn, vậy nên bạn hãy huấn luyện chúng càng sớm càng tốt. Với các bé mèo lớn, chúng đã hình thành những thói quen nhất định nên sẽ có phần khó bảo hơn. Nếu quá đau đầu với “hoàng thượng”, bạn hãy thử kiểm tra IQ mèo để biết khả năng học hỏi của chúng đến đâu nhé!