Ý nghĩa mâm ngũ quả Trung thu từ xưa tới nay luôn là ước mong của mọi người về một cuộc sống hạnh phúc, ấm no và may mắn. Tuy rằng mỗi vùng miền đều có cách bày trí khác nhau nhưng nhìn chung đây vẫn là một phần không thể thiếu trong mâm cỗ cúng rằm Trung thu của người Việt. Hãy cùng đến với bài viết sau để tìm hiểu ý nghĩa của mâm ngũ quả nhé!
Ý nghĩa của bày mâm ngũ quả Trung thu
Tết Trung thu là một trong những dịp quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam. Theo đó, dịp lễ này diễn ra vào rằm tháng Tám (15/8 Âm lịch). Vào ngày này, người dân sẽ tổ chức những hoạt động văn hóa như: Múa lân, rước đèn lồng, ngắm trăng, ăn bánh và phá cỗ.
Mang lại ấm no, hạnh phúc
Ý nghĩa mâm ngũ quả Trung thu là vấn đề được nhiều bạn trẻ tìm hiểu khi sắp đến rằm tháng Tám. Có thể nói, mỗi vùng miền và gia đình đều có các quan niệm khác nhau về việc chọn và bày trí mâm ngũ quả. Tuy nhiên, mâm ngũ quả đều mang ý nghĩa chung về ước mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đặc biệt, mâm cúng thần linh hay tổ tiên cũng là một điều quan trọng bắt buộc phải làm trong ngày này. Tùy theo tín ngưỡng hay quan niệm của từng vùng miền và gia đình mà mâm ngũ quả Trung thu sẽ có sự khác biệt.
Cầu bình an, may mắn
Mâm ngũ quả cũng là điều mà các gia đình rất quan trọng. Lý do là bởi khi xưa ông cha ta quan niệm rằng quả mang ý nghĩa phồn thực và tượng trưng cho sự giàu sang, ý nguyện duy trì nòi giống, nảy nở sinh sôi. Hơn thế nữa quan niệm bày mâm ngũ quả do có số 5 là đại diện cho cội nguồn sự sống và trung tâm của trời đất.
Ý nghĩa mâm ngũ quả Trung thu cũng đến từ quan niệm của người xưa cho rằng vạn vật của trời đất đều cấu thành từ 5 yếu tố là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ. Hơn nữa, vào ngày rằm tháng Tám lại là lúc mặt trăng tròn và sáng nhất.
Do đó, lúc này dâng lên mâm ngũ quả sẽ giúp gia đình được đủ đầy, ấm êm và may mắn. Nó cũng thể hiện được mong ước cầu may mắn, bình an của các gia đình trên đất nước Việt Nam.
Mâm ngũ quả tết Trung thu có gì?
Tùy theo đặc trưng của từng vùng miền cũng như sản vật và quan niệm tín ngưỡng mà việc bày mâm ngũ quả Trung thu cũng có sự khác biệt. Sự khác biệt có thể kể tới qua những thông tin bên dưới đây.
Miền Bắc
Người dân miền Bắc vô cùng coi trọng truyền thống nên việc bày biện một mâm ngũ quả Trung thu đơn giản thường được ưu tiên. Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường đại diện cho ngũ hành và buộc phải có quả chín (tính dương) và quả xanh (tính âm).
Ngày nay, các thủ tục đã có phần đơn giản hơn trước nhưng mâm cỗ vẫn phải đầy đủ 5 loại quả, bao gồm: Nải chuối chín (cuộc sống đủ đầy), hồng đỏ (cầu mong cơ hội mới, hy vọng), na xanh (mong ước sinh sôi, nảy nở), bưởi xanh hoặc bưởi vàng (cầu tốt lành) và lựu đỏ (mong cầu may mắn).
Thông thường, các gia đình đều đặt nải chuối ở dưới cùng để đỡ các loại quả khác. Bưởi sẽ đặt ở vị trí trung tâm, lựu, hồng và na bày ở xung quanh. Bạn cũng có thể đặt thêm những bông hoa nhỏ hay vài quả ớt tô điểm.
Miền Trung
Không như miền Bắc, điều kiện khí hậu của miền Trung có phần cằn cỗi và khắc nghiệt hơn nên mâm cỗ Trung thu truyền thống của các gia đình cũng có sự khác biệt. Mâm ngũ quả để thắp hương vào ngày rằm chủ yếu là có gì bày nấy, thể hiện sự thành tâm dâng kính lên các bậc tổ tiên.
Một số loại trái cây thường xuất hiện trên mâm cúng sẽ có mãng cầu, đu đủ, bưởi, quả sung, xoài, dưa hấu, táo, nho, dừa… Người trong miền Trung thường không quá khắt khe về vấn đề liên quan tới hình thức, vì vậy cho nên các gia đình sẽ bày mâm ngũ quả theo những cách khác nhau, miễn là đặt trái cây lên không bị đổ.
Miền Nam
Trong miền Nam, đa số các gia đình sẽ sở hữu mâm ngũ quả Trung thu độc đáo. Lý do bởi vì đây là miền đất có khí hậu vô cùng ôn hòa, đất đai màu mỡ nên sở hữu nhiều loại trái cây đa dạng.
Người dân miền Nam thường bày trí các loại hoa quả như: Mãng cầu, quả sung, dừa, xoài, đu đủ. Hơn nữa, một số gia đình còn đặt 3 quả dứa làm phần chân đế thể hiện sự bền vững và ước mong con cháu đầy nhà.
Thông thường, ở miền Nam sẽ đặt chân đế là 3 quả dứa rồi đặt lên mâm đu đủ, dừa và xoài trước. Nguyên nhân là vì đây là các loại trái cây có hình dạng to và nặng nên cần đặt dưới cùng để nâng đỡ những loại quả khác.
Các cách trang trí mâm ngũ quả Trung thu đẹp mắt
Việc trang trí mâm ngũ quả Trung thu của từng vùng miền cũng sở hữu sự khác biệt tùy theo các loại trái cây sử dụng. Ví dụ như miền Bắc coi trọng nét truyền thống, miền Trung có gì bày nấy và miền Nam có sự đa dạng của các loại trái cây.
Trang trí mâm ngũ quả ở miền Bắc
Đầu tiên, bạn cần đặt nải chuối ở dưới cùng. Điều này tượng trưng cho ý nghĩa bảo vệ đất trời. Tiếp đó, bạn đặt quả bưởi (xanh hoặc vàng) vào giữa của nải chuối, sau đó là các loại trái cây (đào, hồng, quýt…) xếp ở xung quanh. Tùy vào sở thích của mỗi gia đình mà bạn cũng có thể bày thêm những loại quả như táo, lê, cam, măng cụt, thanh long…
Trang trí mâm ngũ quả ở miền Trung
Do không quá quan trọng hình thức nên việc trang trí mâm ngũ quả ở miền Trung cũng khá đơn giản. Bạn chỉ cần sử dụng các sản phẩm có sẵn, cây nhà lá vườn như mãng cầu, xoài, chuối, dừa, đu đủ… và bày sao cho không bị đổ là được.
Trang trí mâm ngũ quả ở miền Nam
Bởi vì ở trong miền Nam người dân không sử dụng nải chuối để làm trái cây chính nên trong mâm ngũ quả sẽ dùng dưa hấu, bưởi da xanh ở giữa. Sau đó, bạn chỉ cần sắp xếp các loại trái cây khác như xoài, mãng cầu và đu đủ ở xung quanh.
Các cách trang trí đặc biệt khác
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng những loại hoa nhỏ và ớt để bày biện tô điểm trên mâm ngũ quả. Ngày nay khi trang trí mâm cỗ Trung thu, nhiều bà mẹ còn trổ tài tỉa hoa quả nhằm thêm phần sinh động cho ngày đoàn viên.
Có thể kể tới ở đây là tạo hình cá bằng thanh long, chó bưởi,… Một vài lưu ý khi bạn chuẩn bị trái cây để bày mâm ngũ quả chính là cần chọn nải chuối còn xanh tươi, với phần vỏ mướt và không bị đốm đen, có từ 12 – 16 quả. Trái cây cần phải còn tươi và không bị trường hợp dập, úng. Bạn cũng không nên rửa hoa quả trước khi cúng để tránh bị hư hỏng. Nếu có bụi thì chỉ cần dùng khăn lau nhẹ là được.
Hy vọng những thông tin ở trên mà Blog Cốc Cốc chia sẻ đã có thể giúp bạn hiểu thêm được về ý nghĩa mâm ngũ quả Trung thu và cách trang trí của nó. Ngày rằm tháng Tám không chỉ là thời điểm để các gia đình sum vầy, trẻ nhỏ vui chơi mà còn giúp các thế hệ sẻ chia cho nhau nhiều ý nghĩa cao đẹp của văn hóa, phong tục dân gian truyền thống. Qua đó, chúng ta sẽ hiểu hơn về các thế hệ đi trước cũng như làm thế nào để có thể duy trì và phát huy giá trị của văn hóa dân tộc.
Xem thêm: