Khám phá

SaaS là gì? Tất tần tật thông tin về SaaS, gợi ý những phần mềm SaaS uy tín nhất

SaaS vẫn còn là một khái niệm mới mẻ đối với nhiều người dùng Internet. Nhiều người có thể chưa từng nghe đến SaaS, trong khi thật sự là vẫn tiếp xúc và trực tiếp sử dụng SaaS mỗi ngày. Vậy SaaS là gì, có vai trò như thế nào, chúng ta sử dụng SaaS như thế nào mỗi ngày? Hãy cùng Cốc Cốc tìm hiểu tất tần tật về phần mềm SaaS qua bài đăng này! 

SaaS là gì?

SaaS là viết tắt của Software as a Service, phần mềm dưới dạng dịch vụ. SaaS được xác định là những giải pháp phần mềm hoàn chỉnh được phát triển thuộc hệ sinh thái của một hệ thống điện toán đám mây. Đơn vị sở hữu những hệ thống đám mây này sẽ không bán quyền sử dụng hệ thống chính mà sẽ cho thuê quyền sử dụng các dịch vụ và máy chủ ứng dụng được phát triển từ hệ thống này. SaaS có thể được sử dụng trên nền web, hoặc dưới dạng ứng dụng trên máy tính và điện thoại. 

Cách thc vn hành và đim ni bt ca SaaS 

Các nhà cung cấp SaaS sở hữu hệ thống máy chủ và cơ sở dữ liệu lưu trữ ứng dụng và dữ liệu của riêng họ, hoặc sử dụng hệ thống đám mây của một bên thứ ba. Họ phát triển các ứng dụng SaaS dựa trên các hệ thống lưu trữ này, đồng thời, quản lý luôn các nền tảng, hệ điều hành và phần mềm trung gian.  

Khi một khách hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng một loại SaaS, nhà cung cấp sẽ đề xuất các gói sử dụng ứng dụng và cấp quyền truy cập khi khách hàng đăng ký và đăng nhập tài khoản ứng dụng. Dữ liệu từ tài khoản của khách hàng sẽ được lưu trữ tại hệ thống của nhà cung cấp, và tùy theo nội dung gói dịch vụ mà nhà cung cấp sẽ có thêm các trách nhiệm quản lý và bảo đảm tính bảo mật cho tài khoản.

Một mô hình SaaS sẽ được thiết kế dành cho nhiều đối tượng thuê đồng nghĩa với việc hệ thống đám mây sẽ được sử dụng chung giữa nhiều tài khoản đăng ký riêng lẻ. Tuy nhiên, nhà cung cấp sẽ tạo một mạng lưới bản sao với mã nguồn chung của ứng dụng và chia sẻ cho mỗi khách hàng một bản sao. 

Điểm nổi bật của SaaS chính là đa dạng các gói sử dụng tùy theo nhu cầu của khách hàng và hoạt động dưới dạng cho thuê có thời hạn, không cần phải mua giấy phép sử dụng hoặc phải đăng ký vĩnh viễn như một số dạng phần mềm truyền thống. 

Lợi ích của việc sử dụng phần mềm SaaS

So với các dạng phần mềm khác, SaaS được sử dụng phổ biến, đặc biệt là ứng dụng trong quản lý, vận hành doanh nghiệp nhờ các ưu điểm trong việc dễ dàng sử dụng, tối ưu trải nghiệm khách hàng, tiết kiệm chi phí. Lợi ích của việc sử dụng phần mềm SaaS trong doanh nghiệp gồm có:

Linh hoạt sử dụng

Chỉ cần có kết nối Internet, người dùng sẽ có thể truy cập và sử dụng dịch vụ của SaaS mọi lúc, mọi nơi và trên mọi thiết bị. Hiện nay, nhiều đơn vị cung cấp SaaS đều cố gắng phát triển ứng dụng của mình tương thích với mọi hệ điều hành và trình duyệt Web, phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp với quy mô từ nhỏ đến lớn, có đa dạng nhân viên.

Tiết kiệm chi phí

Khác với các loại ứng dụng khác yêu cầu phải trả trước phí mua quyền cài đặt và sử dụng, đa số các ứng dụng SaaS cung cấp các gói dịch vụ Freemium – miễn phí sử dụng với một số tính năng cơ bản và sau đó người dùng có thể trả thêm tiền để mua các tính năng khác tùy theo nhu cầu sử dụng. Một số ứng dụng SaaS khác cho thuê quyền sử dụng với các gói dịch vụ đa dạng theo nhu cầu. Dù đối với loại hình SaaS nào, hình thức thanh toán đều là thanh toán trả sau, người dùng có thể chấm dứt sử dụng dịch vụ và ngừng thanh toán nhanh chóng.

Đồng thời, các ứng dụng SaaS không yêu cầu đội ngũ lắp đặt và quản lý, cũng không không đòi hỏi phí hỗ trợ và bảo trì thường niên (từ 15%-20%) như phần mềm on-premise, tiết kiệm ngân sách chi trả cho nhân sự IT và vận hành các ứng dụng SaaS cho doanh nghiệp.

Khả năng điều chỉnh gói dịch vụ theo nhu cầu

Các phần mềm SaaS cho phép người sử dụng thay đổi gói dịch vụ đã đăng ký, thêm hoặc bớt các tính năng nhanh chóng mà không phát sinh chi phí điều chỉnh, phù hợp với các doanh nghiệp phát triển nhanh hoặc thường thay đổi cơ cấu vận hành.

Triển khai nhanh chóng, quản lý đơn giản, giảm gánh nặng cho bộ phận IT

Thay vì cần một đội ngũ phụ trách lắp đặt phần mềm vào hệ thống của doanh nghiệp, quản lý và vận hành ứng dụng, SaaS dễ dàng triển khai và sử dụng. Người dùng chỉ cần đăng ký tài khoản trên web hoặc ứng dụng, đăng nhập tài khoản và thao tác theo hướng dẫn là đã có thể bắt đầu sử dụng. Tất cả hoạt động quản lý, bảo trì, lưu trữ cơ sở dữ liệu đều do hệ thống và đội ngũ của nhà cung cấp ứng dụng SaaS thực hiện, doanh nghiệp chỉ cần từ 1-2 nhân sự phụ trách theo dõi phần mềm, training cho nhân viên.

Khả năng tích hợp lớn

Thực tế là các doanh nghiệp đều sử dụng rất nhiều ứng dụng trong quá trình hoạt động, nhu cầu đồng nhất và trao đổi dữ liệu giữa các ứng dụng là rất lớn. Hầu hết các phần mềm SaaS hiện nay đều được tối ưu hệ thống API – giao diện lập trình ứng dụng mở cho phép các phần mềm trao đổi thông tin và dữ liệu, mở rộng khả năng tối ưu hiệu quả công việc của các doanh nghiệp.

Khả năng cập nhật dữ liệu và cùng thao tác trong thời gian thực

Vì lưu trữ cùng một hệ thống đám mây, các tài khoản trên ứng dụng SaaS cùng thuộc một tổ chức có nhận được cập nhật dữ liệu nhanh chóng và chuẩn xác theo thời gian thực. Đồng thời các tài khoản còn có thể thao tác trên cùng một giao diện, rất phù hợp cho các hoạt động teamwork, xử lý dự án nhóm.

Một số phần mềm SaaS nổi tiếng nhất

Adobe

Adobe (viết tắt của Adobe Systems Incorporated) là chuỗi phần mềm SaaS được phát triển bởi một trong top 10 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới – Adobe. Adobe được biết đến với đa dạng các nhóm phần mềm SaaS phục vụ mọi lĩnh vực và được sử dụng phổ biến bao gồm:

  • Phần mềm thiết kế đồ họa: Adobe Photoshop, Adobe Lightroom, Adobe InDesign, Adobe Illustrator,…
  • Phần mềm thiết kế web: Adobe Dreamweaver, Adobe Contribute, Adobe Muse,…
  • Phần mềm chỉnh sửa video và các hiệu ứng trực quan: Adobe Premiere Pro, Adobe After Effect,…
  • Phần mềm chỉnh sửa âm thanh: Adobe Audition
  • Phần mềm máy chủ: Adobe ColdFusion, Adobe Content Server,…
  • Phần mềm eLearning: Adobe Captivate, Adobe Connect,…
  • Phần mềm quản lý tiếp thị số: Adobe Marketing Cloud, Adobe Experience Manager,…

Từ năm 2014, Adobe đã chuyển sang mô hình cung cấp dịch vụ phần mềm dựa trên nền tảng SaaS –  Adobe Creative Cloud. Người dùng chỉ đăng ký tài khoản sử dụng trên hệ thống Adobe Creative Cloud và bỏ ra khoảng 50$ mỗi tháng là đã có thể sử dụng mọi dịch vụ SaaS thuộc hệ thống.

Spotify

Spotify là nền tảng SaaS thuộc công ty AB Spotify của Thụy Điển. Phần mềm SaaS này mang đến cho người dùng quyền truy cập vào kho nhạc kỹ thuật số với gần như tất cả các bài hát, album, sản phẩm audio đã được phát hành. Người dùng có thể tìm kiếm và nghe nhạc miễn phí hoặc có phí tùy chọn trên Spotify. Nếu sử dụng Spotify miễn phí, người dùng vẫn có thể truy cập hầu hết các sản phẩm audio có trên phần mềm, tuy nhiên quá trình nghe sẽ gặp quảng cáo liên tục, xen lẫn giữa các bài hát, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm nghe nhạc. Còn với gói dịch vụ Premium, người dùng sẽ được trải nghiệm những tính năng cao cấp như nghe nhạc không quảng cáo, chất lượng  âm thanh tối đa 320kb/s, tải và nghe nhạc ngoại tuyến,…

Netflix

Netflix là cái tên quen thuộc với mọi “mọt phim”, đây là nền tảng SaaS của Mỹ cung cấp dịch vụ phát trực tuyến các bộ phim điện ảnh, phim dài tập, truyền hình thực tế,…với đủ bản quyền và không chứa quảng cáo gây gián đoạn. Người dùng có thể sử dụng Netflix trên mọi trình duyệt với đa dạng các thiết bị truy cập như máy tính, điện thoại, máy tính bảng, TV,…Để sử dụng Netflix, bạn cần mua gói dịch vụ và trả phí hàng tháng. Hiện nay, Netflix có 3 gói dịch vụ là Cơ bản, Tiêu chuẩn và Cao cấp khác nhau về chất lượng video trình phát và số lượng thiết bị cho phép truy cập. Bạn có thể hủy gói dịch vụ Netflix khi không còn nhu cầu sử dụng, hoặc chuyển đổi giữa các gói dịch vụ thuận tiện và nhanh chóng.

Slack

Slack được biến đến như một công cụ chat trực tuyến được sử dụng trong doanh nghiệp. Slack sở hữu đầy đủ các tính năng trò chuyện trực tuyến, ngoài ra còn bổ sung thêm các tính năng quản lý, sắp xếp cuộc hội thoại thông minh,…tiện lợi đến mức nhiều người dùng đánh giá Slack có thể thay thế hệ thống email của công ty. Phần mềm Slack có thể được cài đặt và truy cập thông qua web hoặc tải xuống PC, các dòng thiết bị iOS, Android. Phần mềm này còn có khả năng liên kết với các nền tảng lưu trữ đám mây phổ biến như Google Drive, Dropbox, GitHub,… Với gói dịch vụ miễn phí của Slack, người dùng có thể lưu trữ tới 10.000 tin nhắn, 5GB dung lượng lưu trữ và liên kết với 5 dịch vụ với các dịch vụ khác.

Zoom

Nổi lên trong đại dịch Covid-19, Zoom được các doanh nghiệp và tổ chức sử dụng rộng rãi nhờ cung cấp phòng họp trực tuyến, cho phép một nhóm người dùng trao đổi, kết nối từ khoảng cách xa. Không chỉ đơn thuần là gọi thoại, video nhóm thông thường, Zoom có đa dạng các tính năng hỗ trợ các cuộc họp, lớp học trực tuyến:

  • Ghi lại cuộc họp
  • Chia sẻ màn hình
  • Phát biểu ảo
  • Trò chuyện qua micro và khung chat

Người dùng có thể tham gia Zoom miễn phí, tuy nhiên sẽ bị giới hạn cuộc họp với số lượng tối đa 100 người và thời gian dưới 40 phút. Vì vậy, các trường học, doanh nghiệp hoặc tổ chức chuyên nghiệp thường sẽ đăng ký gói dịch vụ để mở rộng các tính năng, trong đó có Zoom Room, quản lý và kết nối nhiều phòng ban trong các cuộc họp quan trọng. Khác với nhiều SaaS, cước phí của Zoom áp dụng trên mỗi máy chủ, không phải người dùng ứng dụng. Vì vậy, một người dùng đăng ký có thể mở cuộc họp mời những người dùng miễn phí tham dự.

Google Drive

Google Drive là dịch vụ lưu trữ đám mây được ra mắt bởi Google vào năm 2012. Nền tảng SaaS hỗ trợ nhu cầu làm việc trực tuyến của bạn với tính năng lưu trữ, chia sẻ file, thư mục và các công cụ hữu ích như Google Docs, Google Sheets, Google Slides,…Chỉ cần có Internet, người dùng có thể truy cập và xử lý công việc với Google Drive ở bất kì đâu. Đặc biệt, với công nghệ cộng tác trực tuyến, các người dùng có thể cùng thao tác trên cùng một tài liệu, gia tăng hiệu suất xử lý công việc.

Với mỗi một email, người dùng sẽ có một tài khoản Google Drive tương ứng. Mỗi người dùng sẽ không bị giới hạn số lượng email và Google Drive, tuy nhiên, mỗi tài khoản chỉ có 15GB dung lượng miễn phí, nếu dùng hết sẽ phải đăng ký các gói trả phí để mở rộng dung lượng. Vì vậy, các tổ chức có nhu cầu lưu trữ lớn như trường học, doanh nghiệp sẽ đăng ký các gói Google Drive trả phí phù hợp cho các nhân trực thuộc.

Các câu hỏi thường gặp

Sự khác biệt giữa SaaS và các mô hình phần mềm khác (On-premise, PaaS)?

  • So sánh SaaS và PaaS: Nền tảng dịch vụ (PaaS – Platform as a Service) như một phiên bản mở rộng của SaaS. Với SaaS, người dùng không quản lý hạ tầng, ứng dụng mà chỉ sử dụng những ứng dụng được cung cấp sẵn. Với PaaS, người dùng cũng không cần quản lý hạ tầng nhưng sẽ có thể tạo và quản lý các ứng dụng trên hạ tầng đã có.
  • So sánh SaaS và On-premise: SaaS và On-premise đều phục vụ nhu cầu dưới dạng phần mềm, tuy nhiên hai loại hình này khác nhau về hình thức lắp đặt, sử dụng và quản lý. On-premise sẽ là các phần mềm được mua và cài đặt trên thiết bị với quyền sử dụng vĩnh viễn. On-premise sẽ yêu cầu một đội ngũ nhân sự lớn hơn phụ trách lắp đặt, triển khai và quản lý. Chỉ có nhân sự trực thuộc tổ chức mới có thể dùng On-premise với máy tính được cấp, truy cập bằng mạng công ty hoặc mở VPN thì mới có thể truy cập từ xa.

Nên sử dụng phần mềm SaaS cho loại hình doanh nghiệp nào?

SaaS cung cấp đa dạng các gói dịch vụ tùy theo nhu cầu sử dụng. Vì vậy, loại hình phần mềm này phù hợp với tất cả các loại hình doanh nghiệp. Tùy vào quy mô và nhu cầu, doanh nghiệp có thể lựa chọn gói dịch vụ với mức chi phí và tính năng phù hợp để sử dụng.

Làm thế nào để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ SaaS uy tín?

Để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ SaaS uy tín, bạn có thể lựa chọn những nhà cung cấp phổ biến, đã đạt được nhiều lượt đăng ký sử dụng. Đồng thời, nhà cung cấp cần phải có hệ thống lưu trữ đáng tin cậy, phương thức thanh toán rõ ràng, không có dấu hiệu rủi ro về khả năng bảo mật thông tin. Mặt khác, hầu hết các nhà cung cấp SaaS uy tín đều có gói dịch vụ freemium hoặc các gói dùng thử cho phép người dùng trải nghiệm các tính năng trước khi đăng ký các gói dịch vụ trả phí, rất tiện lợi cho người dùng khi quyết định đăng ký sử dụng.

Xem thêm:

Write A Comment