Từ tháng 1/2021, người dùng Cốc Cốc có thể chủ động báo cáo nội dung không an toàn cho đội ngũ phát triển Cốc Cốc, sau đó Cốc Cốc sẽ trực tiếp kiểm tra và hiển thị cảnh báo rộng rãi tới toàn thể người dùng. Nỗ lực này của Cốc Cốc nhằm tiếp nối thành công của chiến dịch Chuyện Lên Mạng hồi cuối năm 2020, hướng tới đẩy lùi vấn nạn lừa đảo qua mạng cùng các nguy cơ không lường trước và đem tới trải nghiệm duyệt web an toàn cho tất cả mọi người.
Nội dung chính
Chế độ Duyệt web an toàn mặc định
Trước đây, tính năng Duyệt web an toàn (hay còn gọi là Quét trình duyệt hay Safe Browsing) trên Cốc Cốc là sự kế thừa dịch vụ Duyệt web an toàn của Google. Dựa trên danh sách các trang web không an toàn do Google cung cấp, Cốc Cốc cũng như các trình duyệt khác như Chrome, Safari, Firefox sẽ kiểm tra và hiển thị cảnh báo cho người dùng về các đường dẫn URL đi tới tài nguyên web chứa phần mềm độc hại hoặc nội dung lừa đảo.
Theo mặc định, khi bạn cố gắng điều hướng tới các trang web nguy hiểm hoặc tải xuống các tệp tin không đáng tin cậy, trình duyệt Cốc Cốc (tích hợp dịch vụ Duyệt web an toàn của Google) sẽ hiển thị cảnh báo tới bạn. Tùy theo mức độ nguy hại cao hay thấp, trình duyệt có thể từ chối yêu cầu truy cập của bạn vào trang web này, hoặc cho phép bạn tiếp tục truy cập trong sự nhìn nhận trước về rủi ro của hành động.
Chế độ Duyệt web an toàn nâng cấp từ Cốc Cốc
Một trang web, bài viết hay đường dẫn URL được dán nhãn là không an toàn khi có thể chứa nội dung không an toàn. Những nội dung này bao gồm: phần mềm độc hại (phát tán mã độc, theo dõi người dùng hoặc đánh cắp thông tin cá nhân), thông tin lừa đảo, tin tức giả mạo, các yếu tố phản cảm như khiêu dâm, kích động bạo lực, trao đổi buôn bán mặt hàng cấm, hoặc các tiện ích mở rộng tiềm ẩn rủi ro. Ngoài ra, các trang web hợp pháp đã bị xâm phạm cũng thuộc nhóm không an toàn.
Mỗi ngày Google đều cập nhật và chia sẻ danh sách các trang web không an toàn cho ngành công nghiệp web. Tuy nhiên vô số trang web độc hại vẫn “vượt mặt” quá trình kiểm soát của Google bằng những cách thức hết sức tinh vi, do đó không nằm trong danh sách đen và không được cảnh báo đầy đủ tới người dùng. Thêm nữa, rất nhiều trang web tiếng Việt chứa nội dung giật tít, câu view nhảm nhí, quảng cáo quá đà (thông qua ngôn từ tiếng lóng, hình ảnh/clip chế, font chữ biến dạng) còn thường xuyên “lách” thành công khỏi sự kiểm soát của thuật toán.
Vì vậy, từ nay trở đi, Cốc Cốc chính thức cho phép người dùng chủ động báo cáo các trang web không an toàn cho đội ngũ Cốc Cốc, nhờ đó mở rộng tệp cảnh báo nội dung hiện nay và gia tăng khả năng bảo vệ toàn thể người dùng Cốc Cốc.
Hướng dẫn báo cáo trang web không an toàn đến Cốc Cốc
Bước 1: Chọn nút “Báo cáo nội dung không an toàn”
Khi sử dụng phiên bản trình duyệt máy tính, bạn có thể click chuột phải ở vị trí bất kỳ của trang web để đi đến tùy chọn “Báo cáo nội dung không an toàn” (biểu tượng biển báo nguy hiểm). Nếu bạn bấm vào nút này, bạn sẽ được điều hướng sang trang Duyệt web an toàn của Cốc Cốc.
Bước 2: Nhập nội dung báo cáo chi tiết trên trang Duyệt web an toàn
Nếu bạn cho rằng mình đã gặp phải một trang web chứa các nội dung như phần mềm độc hại, lừa đảo, tin tức giả mạo, hoặc yếu tố phản cảm, hãy hoàn thành biểu mẫu ở trang Duyệt web an toàn để báo cáo trang này cho đội ngũ phát triển Cốc Cốc. Mỗi hành động báo cáo của bạn sẽ giúp Cốc Cốc kịp thời kiểm tra các nội dung không an toàn và đưa ra biện pháp bảo vệ cộng đồng.
Trên trang Duyệt web an toàn, bạn cần nhập các trường thông tin cơ bản là: Website/URL, Kiểu vi phạm, Mô tả (khuyến khích điền đầy đủ), sau đó xác nhận Captcha và ấn nút Gửi. Đối với Kiểu vi phạm, Cốc Cốc cung cấp một số tùy chọn sau đây để bạn chọn nhanh hơn: Chứa phần mềm độc hại, Trang web lừa đảo, Tin tức giả mạo, Nội dung phản cảm, Khác.
Lưu ý, nếu trước đó bạn đã click chuột phải và bấm vào nút “Báo cáo nội dung không an toàn”, Cốc Cốc sẽ tự động điền đường dẫn URL của trang cần báo cáo giúp bạn. Trong các trường hợp khác, nếu bạn đi thẳng tới trang Duyệt web an toàn thông qua safe.coccoc.com, bạn cần nhập hoặc dán đường dẫn URL của trang web được báo cáo tại trường Website/URL. Cách thứ hai này sẽ thuận tiện khi bạn sử dụng trình duyệt di động của Cốc Cốc (không có nút cảnh báo như trên trình duyệt máy tính) hoặc khi bạn có nhu cầu báo cáo nhiều trang web khác nhau.
Hiển thị cảnh báo từ phản ánh của người dùng
Mỗi giờ, Cốc Cốc sẽ tổng hợp tất cả báo cáo của người dùng, sau đó kiểm tra lần lượt nội dung của các trang đã được báo cáo. Nếu Cốc Cốc xác định rằng các trang web này có thể chứa nội dung không an toàn, một hộp thoại cảnh báo sẽ được hiển thị ở góc phải màn hình trình duyệt khi những người dùng tiếp theo truy cập các trang này. Hộp thoại này sẽ tự động tắt sau 5 giây, hoặc khi người dùng chọn nút “OK” hay “Tìm hiểu thêm”.
Mặt khác, khi bấm vào biểu tượng Lọc quảng cáo, người dùng vẫn xem lại được các thông tin cảnh báo về nội dung không an toàn, như đã thấy ở hộp thoại trước đó. Nhờ hai điều này, người dùng Cốc Cốc có thể nhận thức được rủi ro có thể gặp phải ngay khi vừa truy cập trang và trong suốt quá trình ở lại trang. Để đảm bảo an toàn thông tin, Cốc Cốc cũng khuyến nghị người dùng không đăng nhập tài khoản và không cung cấp các dữ liệu cá nhân trên các trang này.
Như vậy, bên cạnh các tính năng sẵn có giúp người dùng kiểm soát sự an toàn khi lên mạng như Lọc quảng cáo (Adblock), Khóa trình duyệt (Browser Lock) và Chế độ truy cập ẩn danh (Incognito), giờ đây Cốc Cốc đã có thêm một tính năng mới giúp người dùng nhận được mức độ cảnh báo toàn diện hơn. Đó là Duyệt web an toàn (Safe Browsing). Hy vọng mỗi cá nhân sẽ sử dụng tính năng này như một hành động thiết thực để bảo vệ cộng đồng người dùng Cốc Cốc trước các nguy cơ tiềm ẩn và cùng nhau “lên mạng an toàn”.
Tải ngay Cốc Cốc để trải nghiệm duyệt web an toàn!