Người dùng Cốc Cốc lướt gì trong năm 2024? Cùng chúng tôi điểm lại một số xu hướng tìm kiếm và lướt web nổi bật trong bản báo cáo tóm tắt sau đây. Bạn cũng có thể xem và tải về báo cáo đầy đủ ở cuối bài viết này.
Nội dung chính
Chủ đề tìm kiếm thịnh hành
Về tổng quan, Giải trí, Công nghệ, và Giáo dục là 3 chủ đề được tìm kiếm thịnh hành nhất trong năm nay khi chiếm gần 90% tổng lượng tìm kiếm chung. Trong đó, Giải trí đứng đầu với 41,5% tổng lượng tìm kiếm, theo sau là Công nghệ và Giáo dục với lần lượt 22% và 15,4 %.
So với năm 2023, thứ hạng các chủ đề tìm kiếm không có nhiều sự thay đổi. Nổi bật nhất là chủ đề Công nghệ khi vừa đạt tỉ trọng tìm kiếm vượt lên Giáo dục, vừa có mức tăng trưởng 22% về lượng tìm kiếm.
Sự kiện và nhân vật
- Sự kiện nổi bật nhất: Bão Yagi – cơn bão mạnh thứ 2 thế giới, đổ bộ vào miền Bắc và miền Trung Việt Nam tháng 09/2024, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
- Người dùng quan tâm về tính minh bạch của hoạt động cứu trợ thiên tai: Các từ khóa như “phông bạt” và “sao kê” ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 368% và 114% so với năm 2023.
- Tin tức chính trị: Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự kiện bầu cử Mỹ thu hút sự chú ý mạnh mẽ, với từ khóa “bầu cử Mỹ” tăng 675% lượng tìm kiếm so với năm trước.
Hiện tượng mạng
Năm 2024 chứng kiến sự xuất hiện của nhiều từ lóng mới, chủ yếu xuất phát từ truyện ngôn tình và các chương trình giải trí.
- Các nhân vật tiểu thuyết Trung Hoa trở thành hiện tượng: Các nhân vật như “Liễu như yên”, “Hồng hài nhi” và “Bạch nguyệt quang” được giới trẻ sáng tạo hình tượng, đem vào hội thoại đời thường.
- Câu nói ấn tượng từ các nghệ sĩ: Những màn giao lưu nghệ sĩ – nghệ sĩ và nghệ sĩ – khán giả xuyên suốt chương trình ca nhạc đã để lại những câu nói đáng nhớ:
- “Ai sợ thì đi về” (rapper MCK)
- “Đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” (NSND Tự Long)
- “Đã ai làm gì đâu” (nghệ sĩ Quang Trung)
Công nghệ
Năm 2024, các chính sách về bảo mật giao dịch trực tuyến, cùng Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý internet đã tạo nền tảng an toàn và minh bạch cho không gian mạng.
- Xu hướng tăng trưởng tìm kiếm: Lượng tìm kiếm về “xác thực sinh trắc học” tăng mạnh ở mức 957%, “nghị định 147” và “xác thực mạng xã hội” tăng lần lượt 35% và 72%.
- Các nền tảng học trực tuyến duy trì lượng tìm kiếm ổn định: Scratch, vnEdu, và IOE ghi nhận mức tăng trưởng tìm kiếm 154%, 73%, và 20%.
Giải trí
Năm nay, giải trí trong nước bùng nổ với sự quan tâm đặc biệt dành cho các chương trình thực tế, concert âm nhạc và phim truyền hình.
- Chương trình âm nhạc lên ngôi: Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai và Anh Trai Say Hi thu hút sự chú ý mạnh mẽ cả trên truyền hình và qua các concert. Lượng tìm kiếm các từ khóa liên quan đến hai chương trình trên đều tăng trưởng vượt trội. Các sự kiện âm nhạc như NTPMM (Những thành phố mơ màng) và Genfest cũng tăng trưởng tìm kiếm 75% và 74%.
- Phim truyền hình để lại nhiều dấu ấn: Các tác phẩm khai thác góc nhìn mang tính thời sự như “Độc đạo”, “Đi giữa trời rực rỡ”, và “Hoa sữa về trong gió” ghi điểm mạnh mẽ với khán giả.
Thể thao
- Bóng đá: Euro 2024 là sự kiện bóng đá được chú ý nhất, trong khi Ngoại hạng Anh và Champions League ghi nhận mức tăng trưởng tìm kiếm 206% và 644% so với năm 2023.
- Olympics Paris 2024: Thế vận hội Olympic được đông đảo người hâm mộ thể thao quan tâm theo dõi, đặc biệt là từ khóa “olympics” với mức tăng 84%. Môn đua thuyền buồm và xạ thủ Trịnh Thu Vinh cũng là tâm điểm của thể thao nước nhà tại Olympic.
- eSport: Giải đấu Chung kết Thế giới (Worlds 2024) của Liên Minh Huyền Thoại gây ấn tượng mạnh, với lượng tìm kiếm tăng lần lượt 115% cho “t1”, 90% cho “cktg”, và 30% cho “gam”.
Xe cộ
- Việt Nam chào đón hai hãng xe mới: Thị trường xe cộ Việt Nam năm 2024 trở nên rộn ràng với sự gia nhập của Wuling và Lynk & Co, các từ khóa “wuling” và “lynk&co” ghi nhận mức tăng trưởng 170% và 593% so với năm trước.
- Nhiều người dân quan tâm đến cơ chế “phạt nguội”: Hà Nội mở rộng phạt nguội và xử lý phương tiện vi phạm giao thông, khiến từ khóa tra cứu phạt nguội tăng trưởng mạnh, với lượng tìm kiếm tăng gấp đôi so với năm 2023.
Thương mại điện tử
- Sản phẩm được tìm kiếm nhiều nhất năm: Năm 2024, các sản phẩm như “labubu”, “vợt pickleball”, và “túi mù/blindbox” tạo ra cơn sốt tìm kiếm, phản ánh ảnh hưởng của mạng xã hội đến hành vi tiêu dùng tại Việt Nam.
- Sản phẩm hot lên từ livestream: Từ khóa “matcha” và “sữa hạt oatside” tăng lần lượt 28% và 446% nhờ xuất hiện thường xuyên trong các buổi livestream trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
- Thương mại điện tử xuyên biên giới: Temu và Shein tăng trưởng tìm kiếm mạnh mẽ, lần lượt tại 961% và 53%.
Tài chính – Bất động sản
- Nhu cầu tìm kiếm giá vàng tăng: Căng thẳng địa chính trị đẩy giá vàng lên mức kỷ lục 90 triệu đồng/lượng vào 30/10/2024, với từ khóa “giá vàng hôm nay” tăng 147% về lượng tìm kiếm.
- Tình hình cập nhật Luật Đất đai: Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 01/08/2024) và các nghị định 101, nghị định 102 trở thành từ khóa tìm kiếm nổi bật trong lĩnh vực Bất động sản.
Du lịch
- Du lịch trải nghiệm tiếp tục trở thành điểm nóng: Năm 2024, du lịch ký ức lịch sử- chiến tranh thu hút mạnh mẽ, với Điện Biên Phủ lọt top điểm đến thịnh hành, đặc biệt sau sự kiện diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng.
- Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Mở cửa từ tháng 11/2024, bảo tàng này ghi nhận mức tăng trưởng tìm kiếm 792%, trở thành từ khóa nổi bật trong xu hướng tìm kiếm về du lịch.
Việc làm
- Thị trường việc làm dần phục hồi: Lượng tìm kiếm từ khóa “tìm việc làm” giảm 91% so với năm 2023, báo hiệu tình hình thất nghiệp đang trở nên “khởi sắc”.
- Tuyển dụng công chức được quan tâm trở lại: Nghị định 116/2024/NĐ-CP và Nghị quyết số 18 khiến lượng tìm kiếm về tuyển công chức tăng 58%.
- Khối ngành kĩ thuật thiếu ổn định: “gia công cơ khí” tăng 311% về tìm kiếm, trong khi nhu cầu tìm việc ở vị trí “hardware tester” và “qa” cũng trở nên thịnh hành. Lượng tìm kiếm công việc “designer” và “it” giảm lần lượt 30% và 17%.
Xu hướng lướt web nổi bật
Về tổng quan, trong năm nay, Cốc Cốc ghi nhận gần 10 tỷ trang web. Mạng xã hội và Video và âm nhạc là các nội dung được truy cập nhiều nhất, chiếm lần lượt 22,3% và 19,4% tổng lượng truy cập trên trình duyệt Cốc Cốc. Người dùng cũng có thói quen đa nhiệm, với kỷ lục 200 tab mở cùng lúc.
Máy tính
- Mục đích sử dụng: Chủ yếu lướt mạng xã hội, xem video và nghe nhạc, và làm việc.
- Tính năng được yêu thích nhất: Thanh bên, Dịch đa ngôn ngữ, và Đọc tin.
Di động
- Mục đích sử dụng: Chủ yếu là phim ảnh truyền hình, tìm kiếm thông tin, và đọc truyện.
- Tính năng được yêu thích nhất: Chế độ phim ảnh, Ẩn danh, và Tải nhanh.
Xem Top từ khóa tìm kiếm và tải nội dung báo cáo đầy đủ
Trên đây là bản tóm tắt xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024 của người dùng Cốc Cốc. Để xem toàn bộ nội dung, bao gồm Top từ khóa thịnh hành, Top trang web theo chủ đề và các số liệu khác, bạn có thể truy cập theo các đường dẫn sau đây:
- Phiên bản tiếng Việt: Báo cáo Xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024
- Phiên bản tiếng Anh: Year in Cốc Cốc 2024 Report
Lưu ý: Khi sử dụng số liệu từ báo cáo này, vui lòng trích dẫn nguồn thông tin như sau: “Trình duyệt và Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc. (2024). Báo cáo Xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024. https://coccoc.com/search/trends.”
Khám phá Cốc Cốc Recap
Bên cạnh báo cáo tổng kết về xu hướng tìm kiếm và lướt web của người dùng Cốc Cốc, người dùng có thể xem ngay bản tổng kết hành trình lướt web năm 2024 của riêng mình tại Cốc Cốc Recap.