Rước đèn Trung thu là nét đẹp văn hóa lâu đời của Việt Nam giúp trẻ em giữ gìn những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Không chỉ vậy, rước đèn còn mang ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục tinh thần đoàn kết. Hãy cùng tìm hiểu về hoạt động rước đèn rằm tháng Tám qua bài viết sau của Blog Cốc Cốc nhé.
Nội dung chính
Hoạt động rước đèn Trung thu là gì?
Trẻ em rước đèn Trung thu là hình ảnh không thể thiếu vào mỗi dịp rằm tháng Tám hàng năm. Những chiếc đèn lồng với nhiều màu sắc rực rỡ, sáng dưới ánh trăng vàng là ký ức khó có thể quên trong tuổi thơ mỗi người.
Đối với người dân Trung Quốc, đèn lồng treo trước cửa nhà là điều tượng trưng cho bình an và may mắn. Một số người lại làm đèn lồng theo dạng hoa đăng, ghi những ước nguyện rồi thả trôi theo dòng sông. Điều này mang ý nghĩa rằng lời cầu nguyện của họ sẽ được đi xa.
Nhiều người nước ngoài ắt hẳn sẽ có thắc mắc rằng rước đèn Trung thu tiếng Anh là gì. Câu trả lời chính là Lantern Parade, trong đó Lantern nghĩa là đèn lồng. Cụm từ này là cách diễn tả chính xác và đầy đủ nhất của hoạt động rước đèn vào dịp Trung thu.
Sự tích rước đèn Trung thu
Tuy rằng không có sự tích rước đèn Trung thu cụ thể nào nhưng nguồn gốc của hoạt động này có thể tìm thấy qua một vài truyền thuyết và nghi lễ cổ.
Câu chuyện về Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi
Một trong số giả thuyết phổ biến nhất chính là câu chuyện về Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi. Truyền thuyết kể rằng, vào một đêm rằm tháng Tám, vua Đường và Dương Quý Phi đã được các tiên nữ mời lên cung trăng để dự tiệc.
Khi trở về, Đường Minh Hoàng vẫn còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế tác ra những đèn lồng để mô phỏng lại khung cảnh đó. Từ khi ấy, cứ đến đêm rằm thì nhà vua sẽ cho rước đèn để tưởng nhớ về đêm ở trên cung trăng.
Tục lệ thờ mặt trăng
Một giả thuyết khác lại cho rằng việc rước đèn bắt nguồn từ tục lệ thờ mặt trăng. Người xưa quan niệm rằng mặt trăng cũng là một vị thần và tượng trưng cho thịnh vượng và may mắn. Việc rước đèn được người xưa cho là đang thể hiện lòng thành kính với thần mặt trăng và cầu mong năm mới an lành, mùa màng bội thu.
Câu chuyện về Cuội
Ở Việt Nam, có rất nhiều dị bản về sự tích của hoạt động rước đèn đêm Trung thu. Trong đó có thể kể tới câu chuyện về Cuội. Nội dung câu chuyện nói về Cuội – một cậu bé thông minh, tốt bụng và hay giúp bạn bè. Trong một lần cứu bạn bị đuối nước, Cuội đã không bao giờ trở về.
Truyền thuyết cho rằng, cậu bé tốt bụng này đã được lên cung trăng. Những người bạn mãi không quên được Cuội nên cô tiên đã thấu hiểu và giúp các bạn nhỏ được gặp lại nhau. Đó là cứ vào Trung thu – ngày rằm tháng Tám trăng tròn và đẹp nhất thì hãy rước đèn ông sao để Cuội ở trên cung trăng có thể thấy được.
Không chỉ vậy, các bạn nhỏ còn có thể tạo ra những loại đèn hình con cá, con thỏ… để nhớ về khoảng thời gian bắt cá và thỏ cùng với nhau. Từ đó, cứ vào dịp lễ này hàng năm, những bạn nhỏ lại cùng nhau làm đèn, rước đèn để nhớ về cậu bé tốt bụng tên Cuội.
Ý nghĩa của việc rước đèn Trung thu
Rước đèn Trung thu mang lại rất nhiều ý nghĩa khác nhau như sau:
Ngày mang lại hoạt động vui chơi cho trẻ nhỏ
Trong rằm tháng Tám, lễ hội rước đèn Trung thu chủ yếu như một hoạt động vui chơi của trẻ nhỏ. Các em nhỏ có thể tự mình làm đèn lồng với các vật dụng đơn giản như khung tre và giấy màu. Đây là cách để con trẻ tạo dựng cũng như thể hiện được sự sáng tạo và tự tin của bản thân.
Tạo sự gắn kết trong gia đình
Rước đèn Trung thu ngày xưa còn là dịp để các gia đình tạo được sự gắn kết. Vào ngày trăng tròn, cả gia đình cùng nhau tham gia làm đèn, rước đèn sẽ tạo nên một không khí sum vầy, đáng nhớ.
Những chiếc đèn lồng lung linh trên phố không chỉ tạo ra niềm vui cho trẻ em mà còn mang biểu tượng cho tình yêu thương, đoàn kết của các gia đình, tạo ra một khung cảnh đầy tình thân và vô cùng ấm áp.
Khi mặt trăng lên, lũ trẻ mang theo đèn lồng với đủ hình dáng và màu sắc, rong ruổi đi khắp đường phố, ngõ xóm. Mọi nơi đều là ánh vàng lung linh và trẻ em ngân vang bài hát rước đèn Trung thu. Đây chính là niềm vui tạo ra một tuổi thơ rực rỡ trong lòng mỗi người dân đất Việt.
Xua tan đi bóng tối
Ngoài ra, việc rước đèn còn mang ý nghĩa tượng trưng cho việc ánh sáng xua tan đi bóng tối. Đèn lồng rực rỡ tượng trưng cho sự chiến thắng của ánh sáng khi đứng trước bóng tối, của cái thiện trước cái ác. Việc cùng nhau rước đèn tạo ra một không khí ấm áp , đoàn kết, giúp mọi người xích lại gần nhau.
Rước đèn Trung thu ngày xưa và nay có gì khác nhau?
Hiện nay, việc rước đèn Trung thu có thể không còn giữ nguyên được nét truyền thống và có sự khác biệt so với ngày xưa. Vậy rước đèn dịp Trung thu ngày xưa và nay có gì khác nhau? Sau đây là một vài đặc điểm mà bạn có thể nhận thấy.
Hình dáng đèn lồng ngày xưa đơn giản
Ngày xưa, đèn lồng dùng để tham gia hoạt động đều được làm một cách thủ công từ các vật liệu như khung tre, giấy, vải và có hình dáng đơn giản. Các hình dạng phổ biến mà bạn có thể bắt gặp là ông sao, con cá, con thỏ… Mỗi chiếc lồng đèn đều mang đậm đặc điểm thủ công và chứa đựng trong đó là tâm huyết của người làm.
Trẻ em sẽ tự tay làm đèn và cùng nhau rước đèn xung quanh xóm, hát vang những bài hát về Trung thu. Không khí lúc này mang lại cảm giác yên bình, mọi người cùng nhau tạo nên một cộng đồng gắn kết. Đây cũng là dịp để trẻ em thể hiện được sự sáng tạo, rèn kỹ năng làm đồ thủ công và tạo nên cơ hội gắn kết, giao lưu với nhau.
Ngày nay mẫu mã màu sắc, thú vị hơn
Ngày nay, đèn lồng có sự đa dạng về mẫu mã, màu sắc và được sản xuất công nghiệp với các chất liệu khác nhau. Những vật liệu làm đèn lồng có thể là nhựa, vải hay kim loại. Thậm chí, những chiếc đèn lồng điện tử có điện nhấp nháy và nhạc cũng dần dần xuất hiện phổ biến.
Rước đèn dịp Trung thu vẫn là hoạt động được nhiều trẻ em vô cùng yêu thích. Tuy nhiên, hoạt động này thường được tổ chức với quy mô lớn hơn với nhiều thứ sôi động khác như các trò chơi dân gian hiện đại, biểu diễn nghệ thuật…
Tuy rằng có nhiều thay đổi nhưng việc rước đèn vào đêm rằm tháng Tám vẫn giữ được những ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam. Đây là dịp để nhiều gia đình sum họp, trẻ nhỏ được vui chơi và cùng nhau tạo ra nhiều kỷ niệm đẹp tuyệt vời trong tuổi thơ.
Trên đây là những thông tin về hoạt động rước đèn Trung thu dành cho ai muốn tìm hiểu mà Blog Cốc Cốc muốn chia sẻ. Dù có nhiều nguồn gốc và thay đổi trong hàng trăm năm qua nhưng việc rước đèn vào đêm Trung thu đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống tại đất nước Việt Nam cũng như được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Xem thêm: